Giấy phép cho lao động nước ngoài

14:44 - 06/05/2021

Giấy phép cho lao động nước ngoài Nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài đã trở nên phổ biến nhờ sự tăng lên của dự án đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, nhu cầu sử dụng dịch vụ do doanh nghiệp nước ngoài cung cấp và nhờ sự ký kết các hợp ước …

Giấy phép cho lao động nước ngoài

Nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài đã trở nên phổ biến nhờ sự tăng lên của dự án đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, nhu cầu sử dụng dịch vụ do doanh nghiệp nước ngoài cung cấp và nhờ sự ký kết các hợp ước quốc tế tự do thương mại như WTO, ASEAN…Nhất là từ ngày 30/06/2020 Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo vệ đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA) đã chính thức được ký kết. Đây chính là điều kiện để  các tổ chức và doanh nghiệp thu hút lao động nước ngoài. Bài viết sau đây Công ty luật Hnlaw & Partners xin khái quát các điều kiện và thủ tục dành cho những doanh nghiệp, tổ chức có nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài mong muốn xin cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài tại Việt Nam.

Giấy phép cho lao động nước ngoài

Giấy phép lao động là văn bản cho phép người nước ngoài được làm việc hợp pháp tại Việt Nam. Trên giấy phép lao động có ghi rõ thông tin về người lao động, bao gồm họ tên, số hộ chiếu, ngày tháng năm sinh, quốc tịch, số hộ chiếu; tên và địa chỉ của tổ chức nơi làm việc, vị trí làm việc. Và Giấy phép lao động là giấy tờ quan trọng để lao động nước ngoài có thể xin thẻ tạm trú 2 năm tại Việt Nam.

Giấy phép cho lao động nước ngoài

Đây là loại giấy tờ vô cùng quan trọng đối với những người nước ngoài muốn làm việc tại Việt Nam, bởi vì theo quy định tại Điều 31 Nghị định số 28/2020/NĐ-CP:

– Người lao động nước ngoài không có giấy phép lao động hoặc không có văn bản xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động theo quy định của pháp luật mà làm việc tại Việt Nam sẽ bị phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng hoặc bị trục xuất theo quy định tại Luật lao động năm 2012; đồng thời

– Người sử dụng lao động có hành vi sử dụng lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam mà không có giấy phép lao động hoặc không có giấy xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động hoặc sử dụng người lao động nước ngoài có giấy phép lao động đã hết hạn hoặc văn bản xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động đã hết hiệu lực có thể bị phạt tiền lên tới 75.000.000 đồng tùy vào số lượng lao động liên quan.

Và để tránh những khoản phạt hành chính và những hậu quả liên đới, thì các công ty sử dụng lao động nước ngoài nhất định phải hoàn thành thủ tục xin cấp giấy phép lao động trước khi người nước ngoài bắt đầu làm việc tại công ty.

Căn cứ pháp lý

  • Bộ luật lao động năm 2019
  • Nghị định 152/2020/NĐ-CP về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam
  • Nghị định 28/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
  • Thông tư 23/2017/TT-BLĐTBXH về hướng dẫn thực hiện cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam qua mạng điện tử do Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành.

Điều kiện người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam (Điều 151 Luật lao động năm 2019)

Đủ 18 tuổi trở lên và có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

– Có trình độ chuyên môn, kỹ thuật, tay nghề, kinh nghiệm làm việc; có đủ sức khỏe theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế;

– Không phải là người đang trong thời gian chấp hành hình phạt hoặc chưa được xóa án tích hoặc đang trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật nước ngoài hoặc pháp luật Việt Nam;

– Có giấy phép lao động do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp, trừ trường hợp quy định tại Điều 154 Luật lao động năm 2019 (hướng dẫn bởi Mục 2 Chương II Nghị định 152/2020/NĐ-CP) cần có Xác nhận người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động:

  • Là Trưởng văn phòng đại diện, dự án hoặc chịu trách nhiệm chính về hoạt động của tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam.
  • Là chủ sở hữu hoặc thành viên góp vốn của công ty trách nhiệm hữu hạn có giá trị góp vốn từ 3 tỷ đồng trở lên.
  • Là Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc thành viên Hội đồng quản trị của công ty cổ phần có giá trị góp vốn từ 3 tỷ đồng trở lên.
  • Vào Việt Nam với thời hạn dưới 03 tháng để thực hiện chào bán dịch vụ.
  • Vào Việt Nam với thời hạn dưới 03 tháng để xử lý sự cố, tình huống kỹ thuật, công nghệ phức tạp nảy sinh làm ảnh hưởng hoặc có nguy cơ ảnh hưởng tới sản xuất, kinh doanh mà các chuyên gia Việt Nam và các chuyên gia nước ngoài hiện đang ở Việt Nam không xử lý được.
  • Là luật sư nước ngoài đã được cấp Giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam theo quy định của Luật Luật sư.
  • Trường hợp theo quy định của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
  • Người nước ngoài kết hôn với người Việt Nam và sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam.
  • Di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp thuộc phạm vi 11 ngành dịch vụ trong biểu cam kết dịch vụ của Việt Nam với Tổ chức Thương mại thế giới, bao gồm: kinh doanh, thông tin, xây dựng, phân phối, giáo dục, môi trường, tài chính, y tế, du lịch, văn hóa giải trí và vận tải.
  • Vào Việt Nam để cung cấp dịch vụ tư vấn về chuyên môn và kỹ thuật hoặc thực hiện các nhiệm vụ khác phục vụ cho công tác nghiên cứu, xây dựng, thẩm định, theo dõi đánh giá, quản lý và thực hiện chương trình, dự án sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) theo quy định hay thỏa thuận trong các điều ước quốc tế về ODA đã ký kết giữa cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và nước ngoài.
  • Được Bộ Ngoại giao cấp giấy phép hoạt động thông tin, báo chí tại Việt Nam theo quy định của pháp luật.
  • Được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cử sang Việt Nam giảng dạy, nghiên cứu tại trường quốc tế thuộc quản lý của cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài hoặc Liên hợp quốc; các cơ sở, tổ chức được thành lập theo các hiệp định mà Việt Nam đã ký kết, tham gia.
  • Tình nguyện viên (Khoản 2 Điều 3 Nghị định 152/2020/NĐ-CP).
  • Vào Việt Nam làm việc tại vị trí nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia hoặc lao động kỹ thuật có thời gian làm việc dưới 30 ngày và không quá 03 lần trong 01 năm.
  • Vào Việt Nam thực hiện thỏa thuận quốc tế mà cơ quan, tổ chức ở Trung ương, cấp tỉnh ký kết theo quy định của pháp luật.
  • Học sinh, sinh viên đang học tập tại các trường, cơ sở đào tạo ở nước ngoài có thỏa thuận thực tập trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam; học viên thực tập, tập sự trên tàu biển Việt Nam.
  • Thân nhân thành viên cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam (Điểm l khoản 1 Điều 2 Nghị định 152/2020/NĐ-CP).
  • Có hộ chiếu công vụ vào làm việc cho cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội.
  • Người chịu trách nhiệm thành lập hiện diện thương mại.
  • Được Bộ Giáo dục và Đào tạo xác nhận người lao động nước ngoài vào Việt Nam để giảng dạy, nghiên cứu.

Lưu ý: Xác nhận người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động, hồ sơ bao gồm:

  • Văn bản đề nghị xác nhận người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động ban hành theo Mẫu số 09/PLI Phụ lục I Nghị định 152/2020/NĐ-CP;
  • Giấy chứng nhận sức khỏe hoặc giấy khám sức khỏe (Khoản 2 Điều 9 Nghị định số 152/2020/NĐ-CP);
  • Văn bản chấp thuận nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài trừ những trường hợp không phải xác định nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài;
  • Bản sao có chứng thực hộ chiếu còn giá trị theo quy định của pháp luật;
  • Các giấy tờ để chứng minh người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động;
  • Các giấy tờ quy định tại điểm b, c và đ khoản 3 Điều 8 Nghị định số 152/2020/NĐ-CP là 01 bản gốc hoặc bản sao có chứng thực, nếu của nước ngoài thì phải hợp pháp hóa lãnh sự, dịch ra tiếng Việt và có chứng thực trừ trường hợp được miễn hợp pháp hóa lãnh sự theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước ngoài liên quan đều là thành viên hoặc theo nguyên tắc có đi có lại hoặc theo quy định của pháp luật.

– Thời hạn của hợp đồng lao động đối với người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam không được vượt quá thời hạn của Giấy phép lao động. Khi sử dụng người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, hai bên có thể thỏa thuận giao kết nhiều lần hợp đồng lao động xác định thời hạn.

– Người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam phải tuân theo pháp luật lao động Việt Nam và được pháp luật Việt Nam bảo vệ, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác.

Đối tượng người nước ngoài được cấp giấy phép lao động tại Việt Nam

– Thực hiện hợp đồng lao động;

– Di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp;

– Thực hiện các loại hợp đồng hoặc thỏa thuận về kinh tế, thương mại, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, khoa học kỹ thuật, văn hóa, thể thao, giáo dục, giáo dục nghề nghiệp và y tế;

– Nhà cung cấp dịch vụ theo hợp đồng;

– Chào bán dịch vụ;

– Làm việc cho tổ chức phi chính phủ nước ngoài, tổ chức quốc tế tại Việt Nam được phép hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam;

– Tình nguyện viên;

– Người chịu trách nhiệm thành lập hiện diện thương mại;

– Nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia, lao động kỹ thuật;

– Tham gia thực hiện các gói thầu, dự án tại Việt Nam;

– Thân nhân thành viên cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam được phép làm việc tại Việt Nam theo quy định tại điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Trình tự xin cấp GPLĐ

Bước 1: Xin chấp thuận nhu cầu sử dụng lao động là người nước ngoài (Điều 4 Nghị định số số 152/2020/NĐ-CP).

Bước 2: Chuẩn bị hồ sơ cấp GPLĐ

Lưu ý: Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động đối với một số trường hợp đặc biệt:

– Đối với người lao động nước ngoài đã được cấp giấy phép lao động, đang còn hiệu lực mà có nhu cầu làm việc cho người sử dụng lao động khác ở cùng vị trí công việc và cùng chức danh công việc ghi trong giấy phép lao động thì hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động mới gồm: giấy xác nhận của người sử dụng lao động trước đó về việc người lao động hiện đang làm việc, các giấy tờ quy định tại khoản 1, 5, 6, 7, 8 Điều 9 Nghị định số 152/2020/NĐ-CP và bản sao có chứng thực giấy phép lao động đã được cấp;

– Đối với người lao động nước ngoài đã được cấp giấy phép lao động và đang còn hiệu lực mà thay đổi vị trí công việc hoặc chức danh công việc hoặc hình thức làm việc ghi trong giấy phép lao động theo quy định của pháp luật nhưng không thay đổi người sử dụng lao động thì hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động mới gồm các giấy tờ quy định tại khoản 1, 4, 5, 6, 7 và 8 Điều 9 Nghị định số 152/2020/NĐ-CP và giấy phép lao động hoặc bản sao có chứng thực giấy phép lao động đã được cấp.

Bước 3: Nộp hồ sơ xin Giấy phép lao động và nhận GPLĐ

Trên đây là Thủ tục xin cấp giấy phép lao động cho lao động người nước ngoài tại Việt Nam của Công ty luật Hnlaw & Partners. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài số: 0912.918.296 để được giải đáp. Rất mong nhận được sự hợp tác của Quý khách hàng!

Chi tiết xin liên hệ Công ty luật Hnlaw & Partners

Zalo: 0961.078.255

Email: tuvan.hnlaw@gmail.com

http://www.hnlaw.vn/tu-van-doanh-nghiep

https://dangkykinhdoanh.gov.vn/vn/Pages/Trangchu.aspx

An toàn thực phẩm
Đăng ký dịch vụ việc làm
Giấy phép tư vấn du học
Hoạt động công nghệ cao
Đi nước ngoài làm việc năm 2022